Du lịch miền Tây vào mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, bạn sẽ có dịp thưởng thức những món ăn dân dã mà đậm đà như: lẩu cá linh, bông điên điển, chuột đồng nướng lu…
Lẩu cá linh
Từ thượng nguồn sông Mekong, cá linh theo dòng phù sa đến với miền Tây như món quà hào phóng mùa nước nổi của thiên nhiên.
Cá linh cho vào nồi nước lẩu đang sôi, cùng các loại rau, để vừa chín tới mới giữ được độ ngọt. Vị ngọt của cá, vị giòn của bông điên điển, bông súng, chất chua thanh của giấm, cay cay của ớt, tiêu hợp thành một mùi hương khó quên.




Chuột đồng
Chuột là món nhiều người không dám thử. Tuy nhiên, thịt chuột đồng lại được nhiều người từng ăn đánh giá là thơm ngon, có vị khác lạ. Về miền Tây, chuột nướng lu là món nổi tiếng. Những con chuột béo múp sau khi làm sạch, sơ chế rồi tẩm ướp các loại gia vị như muối ớt, sả… Kế đến, đầu bếp sẽ móc từng con vào lu. Sự thành công ở món ăn nằm ở khâu nướng, đầu bếp phải liên tục quay và trở tay cho thịt chín đều, thêm mỡ, nước gia vị. Thịt chuột khi chín tới toả mùi thơm nức, mềm và da rất giòn.


Bông điên điển
Một cảnh sắc sống động của miền Tây mùa nước nổi chính là màu vàng rực ở các bờ kênh, bờ sông từ bông điên điển. Chỉ cần nhặt cuống lá, rửa sạch thì đã có thêm một thức quà bình dị điểm tô cho các món ăn nơi đây. Vì vậy nhiều người tận dụng nguyên liệu này để tạo ra nhiều món ăn níu chân thực khách.
Bông điên điển có rất nhiều kiểu chế biến, từ đơn giản đến cầu kì. Hôm nào lười đi chợ, cứ hái điên điển về xào tỏi thì cũng đủ no nê, chắc bụng. Hấp dẫn hơn là nồi canh chua cá linh được điểm thêm sắc vàng. Điên điển gion giòn, khi ăn lại đăng đắng nhưng đọng vị ngọt dịu ở cổ họng, nói đến đây thôi cũng thấy thòm thèm. Bên cạnh đó, người miền Tây còn tận dụng điên điển làm món tép xào, bánh xèo, bún cá, rau chấm các món kho…


Lẩu bông súng
Cũng giống như bông điên điển, bông súng là món ăn quen thuộc của những người dân miền Tây mỗi mùa nước lên. Bông súng hấp dẫn ở cái giòn xốp và thanh vị. Nếu ăn trực tiếp, bạn sẽ cảm nhận được sự tươi mới trong cổ họng cùng với đó là chút ngọt, chút bùi hấp dẫn.


Cá kèo
Cá kèo dường như đã trở thành thương hiệu đảm bảo cho gu ẩm thực mộc mạc nhưng đầy tinh tế của người dân Nam Bộ. Thịt cá kèo thơm chắc, trắng ngon và giàu dinh dưỡng, hương vị cá kèo bùi ngọt rất khó quên.
Cá kèo chế biến kiểu gì cũng không mất vị thịt ngọt và thơm. Mỗi kiểu chế biến lại dẫn dắt thực khách đến một sắc thái khác nhau của của loại cá này. Cá kèo ăn lẩu thì ngọt ngậy, cá kèo nướng thì ngọt, đậm đà. Cá kèo kho rục thì bùi béo đưa cơm.


Nguồn ảnh: Internet
Từ khoá: Món ngon phải thử khi đến miền Tây mùa nước nổi